Sự sinh sản của heo rừng lai
Chia sẻ:

Mặc dù vẫn biết heo rừng lai là giống khỏe  mạnh lại có sức đề kháng tốt, nhưng với heo giống (cả nọc lẫn nái) khi bước vào tuổi động dục, bắt đầu sinh sản ta cũng nên chăm lo cho chúng kỹ hơn.

Việc chăm lo kỹ hơn mà chúng tôi muốn nói ở đây là phải cho ăn uống no đủ với thức ăn bổ dưỡng để sức khỏe chúng được tốt hơn. Vì như chúng ta đã biết hễ heo cái sung mãn thì tử noãn mới phát triển điều hòa, mỗi kỳ động dục sẽ có nhiều trứng rụng dẫn đến lứa đẻ được sai con (từ năm sáu con trở lên). Ngược lại, nếu heo cái ốm yếu thì đến kỳ động dục số tử noãn rụng xuống tử cung không nhiều, dẫn đến lứa đó heo sẽ đẻ ít con (có thể chỉ một hai con, hoặc bốn năm con là nhiều).

Riêng heo nọc nếu chủ nuôi cho ăn uống thất thường dẫn đến yếu sức thì tinh dịch sẽ chứa ít tinh trùng (hoặc tinh trùng yếu) dẫn đến việc phối giống mà nái không đậu thai.

Có điều cần biết là dù cho ăn uống bổ dưỡng, ta cũng không nên để cho heo nọc và heo nái trở nên mập ú, sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phối giống (đối với heo nọc) và sinh sản (đối với heo nái). Heo nọc quá mập phối giống rất dở, vừa chậm chạp vừa biếng lười. Còn heo cái đến kỳ động dục mà mập ú thì trứng sẽ bị mỡ bao bọc nên rụng xuống tử cung không nhiều, dẫn đến đẻ ít con.

Tuổi động dục của heo nái

Trong đời sống hoang dã, tuổi động dục của heo rừng cũng như nhiều đồng vật hoang dã khác đến rất sớm. Như giống heo rừng, thông thường mới tròn ba tháng tuổi đã được coi là tuổi sinh sản. Thế nhưng, khi nuôi tại nhà thì tuổi động dục của heo rừng lai cái lại đến trễ hơn chừng một vài tháng.

Tuy vậy, không ai lại cho heo phối ngày từ lần lên giống đầu tiên, mà thường phải bỏ qua một hai kỳ để heo cái đủ già dặn, lớn đúng mức rồi mới tính chuyện cho sinh sản. Nhờ có sức vóc như vậy nên ta mới sử dụng con nái đó được từ 3 đến 5 năm, và bầy heo con nào ra đời cũng bụ bẫm sởn sơ nuôi mau lớn cả.

Chu kỳ động dục và triệu chứng động dục ở heo cái: Chu kỳ động dục của heo rừng lai cũng giống như heo nhà là 21 ngày. Thời gian động dục kéo dài từ 3 đến 5 ngày, nhưng phải biết canh sao cho thất đúng lúc để cho phối giống thì mới hy vọng heo đậu thai. Đó là khi thấy heo cái có những triệu chứng sau đây:

  • Heo cái tự nhiên siêng đi tới đi lui trong chuồng có vẻ nôn nóng, khó chịu.
  • Heo kêu ụt ịt nho nhỏ trong miệng liên tục suốt ngày như cách gọi đàn con của nó.
  • Tới bữa, chỉ ăn uống cằm chừng hoặc bỏ ăn.
  • Thỉnh thoảng húc ủi các vật dụng có sẵn trong chuồng như máng ăn, máng uống, rau cỏ ăn thừa.
  • Thỉnh thoảng chồm lên lưng heo khác từ phía sau. Hoặc có khi heo cái nuôi chung chuồng cũng động cỡn chồm lên lưng nó như kiểu heo đực truyền thống.
  • Mắt nó dáo dác nhìn về phía cửa chuồng hay ngoài cổng ngõ như có ý nôn nóng chờ đợi heo nọc đến với nó.

Lúc này nếu quan sác bộ phận sinh dục, ta thấy ôm hộ của heo sưng mọng đỏ lên và to gấp hai, gấp ba lúc bình thường. Thế nhưng, chưa phải là lúc để cho phối giống được vì cơn động dục của heo cái chưa đến độ chín muồi. Vì nếu lúc này mà thả heo nọc vào, heo cái đó sẽ không chịu đứng yên cho phối, trái lai còn hung hăng quay đầu lại táp cắn vào mặt, vào mình heo nọc.

Phải chờ đến khi âm hộ heo bớt sưng và màu sắc nhợt nhạt, bên trong có nước nhờn chảy ra thì đó mới là thời điểm thích hợp nhất để cho heo phối giống.

Lúc này nếu ta dùng tay ấn nhẹ lên mông nó, heo sẽ đứng yên không nhúc nhích cục cựa, đuôi dựng đứng như cán cờ và tai vểnh lên sẵn sàng cho heo nọc phối giống.

Như vậy, hiên tượng động dục của heo rừng lai cũng không khác gì heo nhà.

Khi phát giác con heo cái nào có hiện tượng động dục, ta nên chịu khó theo dõi thường xuyên, có khi đến một hai ngày, cho đến khi nào thấy âm hộ nó có nước nhờn chảy ra thì mới yên tâm đi “rước” heo nọc đến…

Phối giống

Khi xác định heo cái lên giống đã đến độ chín muồi, thì ta liền đến chuồng heo đực dẫn nó đến chuồng heo cái để phối giống cho kịp lúc.

Với heo rừng lai chỉ có cách cho phối giống trực tiếp như vậy chứ chưa thể cho thụ tinh nhân tạo với heo nhà.

Heo nọc vốn sẵn sung sức, gặp heo nái chịu đứng yên cho phối nên nó đi vòng qua phía sau chồm lên lưng và phối giống dễ dàng.

Trong khi heo phối giống ta nên tạo sự yên tĩnh cho nó, bằng cách không tụ tập đông người, không gây tiếng động mạnh, chỉ riêng người nuôi heo nọc ở lại để theo dõi mọi việc, để nếu cần thiết sẽ can thiệp kịp thời. Vì có trường hợp con nái bị sụm giò khi phối với con nọc to xác quá khổ (heo nọc rừng lai khi già cũng năng hơn tạ).

Cứ mặc cho heo rừng lai phối giống tự nhiên. Việc phối giống của chúng có thể kéo dài đến mười phút mới dứt. Khi phối giống xong, heo nọc thường lặng lẽ rời heo cái để về chuồng mình.

Thường thì cho phối giống một lần là đủ, nhưng nếu cẩn thận hơn, ta cho phối thêm lân hai, nếu con nái còn chịu. Phối lần hai cách lần một khoảng một buổi: lần sáng, lần chiều hay lần chiêu nay, lần sáng hôm sau.

Không rõ heo rừng lai ra sao, chứ với heo nhà thì sau khi nọc phối xong mà heo nái cứ đứng lì tại chỗ thì sẽ có kết quả đậu thai. Nhưng, nếu nọc phối còn đang dở mà heo nái thình lình bỏ chạy thì kết quả sẽ đẻ ít con, có khi còn bị lốc, chờ chu kỳ sau phối lại.

Triệu chứng heo nái đậu thai

Chỉ một vài hôm sau ngày thả nọc, heo cái nếu đậu thai sẽ lộ ra những triệu chứng dễ thấy như sau:

  • Tính tình thuần hậu trở lại chứ không lăng xăng phá phách chuồng trại nữa.
  • Ăn uống ngon miệng và thích tìm nơi yên tĩnh để ngủ nghĩ nhiều hơn trước.

Tuy vậy, với bao nhiêu chịu chứng đó cũng chưa lấy gì làm chắc là nó đã đậu thai, mà cần phải chờ 21 ngày sau, tính từ ngày phối giống, tức chu kỳ động dục tiếp theo mà heo nái đó không động dục trở lại thì ta mới tin chắc là heo đã đậu thai.

Khi heo đã có chửa thì dù có thả nọc vào nó cũng tỏ ra dửng dưng.

Cấn chửa được hai tháng bụng heo bắt đầu to dần, xuất hiện thêm những triệu chứng sau đây:

  • Heo ngủ nghỉ nhiều, hết ăn lại nằm.
  • Heo ăn uống nhiều hơn trước nên trông mập mạnh hẳn lên. Lông trên mình bóng mượt.
  • Nây bụng căng dần. Hai hàng vú bắt đầu căng cứng với các núm vú ửng đỏ.
  • Thai trong bụng bắt đầu máy động khi heo mẹ chửa được 10 tuần lễ.
  • Heo nái đi đứng và xoay trở chậm chạp cho đến ngày sinh đẻ.

Triệu chứng heo rừng lai sắp đẻ

Thời gian mang thai

Thời gian mang thai của heo rừng lai cũng chẳng khác gì heo nhà là 3 tháng, 3 tuần và 3 ngày, khoảng 115 ngày. Nếu có trồi sụt một vài ngày cũng được coi là chuyện bình thường, không nên lo lắng.

Trong đời sống hoang dã, heo nái rừng khi bắt đầu chuyển bụng nó liền tách ra khỏi bầy đàn rồi tìm một lùm bụi kín đáo để chui rúc vào đó tự cào lấy cái ổ rồi để con. Có khi vài ngày sau chờ con biết đi đứng cứng cáp, mẹ con mới trở về nhập vào bầy đàn.

Còn heo rừng lai nếu nuôi thả rông hay nuôi nhốt trong vòng rào với diện tích rộng rãi, chúng cũng có cách để con như vậy. Nghĩa là nó tự đẻ và tự biết cách chăm sóc cho đàn con sơ sinh hết sức chu đáo. Mọi việc gần như chủ nuôi không cần biết đến và cũng không có cách nào trợ giúp như cách đỡ đẻ cho heo nhà.

Còn trường hợp heo rừng lai nuôi chuồng như heo nhà thì khi chuyển bụng nó có cũng có những triệu chứng không khác gì heo nhà:

  • Trước đó vài ngày âm hộ của heo lại sưng mọng đỏ lên như lúc nó lên giống trước đây.
  • Khoảng một ngày trước khi đẻ, bầu vú heo căng lớn và bắt đầu có sữa non.
  • Heo tỏ ra mệt mỏi thường nằm, nhưng thỉnh thoảng lại đứng lên đi tới đi lui.
  • Cơn đau bụng càng tăng, heo bắt đầu ủi phá máng ăn, máng uống, hất tung rau cỏ ăn còn thừa văng tứ tung khắp nền chuồng.

Nhưng triệu chứng bất thường đó báo cho ta biết là heo đã đến hồi đau bụng dẻ dữ dội, nhưng chưa đến lúc đẻ. Chỉ khi nào ta thấy heo bắt đầu ỉa đái lắt nhắt từng chút một, và nhất là khi phát hiện nước nhờn sánh đặc xuất hiện ở âm hộ heo thì mới biết chắc là heo sắp đẻ đến nơi.

Thường thì heo rừng lai sinh đẻ dễ dàng, nó có thể tự đẻ được và tự biết cắn rốn cho heo con sơ sinh nên chủ nuôi khỏi phải bận tâm giúp đỡ gì cả. Nếu được như vậy thì quả là một điều mừng. Nhưng, với những con heo rừng lai quá dữ hoặc quá nhát, khi nó đẻ, dù muốn đỡ đẻ cho nó ta cũng nên đứng ngoài cuộc, cứ để cho nó đẻ tự nhiên. Vì với những heo mẹ quá dữ hay quá nhát, nếu khi đang rặn đẻ ta tìm cách tiếp cận với nó thì nó có thể ngừng rặn hoặc nín đẻ đẻ thình lình khiến heo con trong bụng bị chế ngộp. Vậy chỉ còn cách ta nên đứng xa xa mà qua xát. Chỉ khi nào thấy heo đẻ khó do thai quá to, hoặc đẻ ngược, hay heo con chết ngộp trong bụng mẹ thì ta mới nghĩ đến chuyện vào tận chuồng để cứu giúp nó mà thôi.

Việc chủ nuôi cần làm trong lúc này là nhớ quậy sẵn một thau nước cám có pha chút muối sau khi đẻ xong heo nái có sẵn nước để uống cho đã khát. Đồng thời rải vào chuồng một mớ rau cỏ tươi non để heo mẹ ăn cho mau lại sực.

Khi đẻ heo nằm nghiêng một bên, bốn chân duỗi thẳng, bùng gò lên từng chặp để rặn. Khởi đầu bọc nước ối ra trước rồi heo con mới ló ra sau. Trung bình từ 10 đến 15 phút có một heo con ra đời, và sau một hai giờ là heo đẻ xong trọn bầy.

Chu kì sinh nở của heo rừng

Mỗi năm heo rừng lai đẻ được hai lứa con, mỗi lứa trung bình được năm sáu heo con. Cũng có lứa chỉ đẻ một vài con, những cũng có lứa đẻ rất sai đến tám, chín con.

 

Heo con mới sinh

Chăm sóc heo rừng lai sau khi sinh con

Nếu suốt thời gian mang thai mà được nuôi nấng cẩn thận, ăn uống no đủ bổ dưỡng, lại không vướng phải một tật bệnh gì thì đa số heo rừng lai sau khi sinh con đều khỏe mạnh.

Tất nhiên, heo mẹ cũng mệt mỏi lúc đầu, có con nằm mẹp cả buổi ở góc chuồng không muốn dậy, có con trong ngày đầu không màng đến chuyện ăn uống. Thế nhưng sau khi cơn mệt mỏi trôi qua thì heo mẹ trỗi dậy và ăn uống bình thường, sinh hoạt bình thường.

Còn heo rừng lai sơ sinh đa số cũng mạnh khỏe, cứng cáp. Vừa lọt lòng đã được heo mẹ quay lại cắn rốn và liếm láp khắp mình cho khô lông. Heo rừng lai sơ sinh có bộ lông không khác gì giống rừng nguyên thủy của chúng: lông toàn thân màu đen, dọc hai bên hông và sống lưng hằn lên những sọc nâu vàng rất đặc trưng. Chúng yếu chân và khờ khạo trong giờ đầu, sau đó tự gượng đứng lên. Và khi bước được những bước nhỏ thì do luật sinh tồn mách bảo chúng biết hướng về vú mẹ để tìm vú bú.

Heo rừng lai sơ sinh chỉ nặng khoảng từ 300g đến 400g mà thôi, nhưng chúng rất mau lớn, chỉ cần bốn tháng sau có con đã nặng trên 25kg, có thể xuất chuồng bán thịt được. Một phần do chúng biết ăn sớm (Khoảng ba tuần tuổi) cho nên đến tám tuần tuổi là đã cai sữa bắt ra nuôi riêng.