Chủ động nguồn thức ăn nuôi heo rừng lai
Chia sẻ:

Nếu nuôi heo rừng lai với số lượng ít chừng năm bảy con trở lại, vấn đề lo thức ăn nuôi chúng có thể không làm chúng ta bận tâm. Thế nhưng nếu nuôi với số lượng nhiều từ năm ba mươi con trở lên thì khâu chạy thức ăn nuôi chúng nếu không tính toán kỹ, nếu không chịu lo xa từ trước thì lại là chuyện không còn … “nhỏ như con thỏ” nữa!

Như chúng ta đã biết thức ăn chính của heo rừng lai là các loại rau cỏ củ quả (chiếm đến 90% trong khẩu phần ăn). Chỉ tính mỗi con ăn trung bình hết 3kg rau củ một ngày, nếu nuôi 50 con ta phải cung cấp cho chúng đến 150kg. Số lượng rau cỏ đó đủ nuôi sống được 5 con bò. Vậy, nếu cần tăng bầy đàn lên mức 100 con, 200 con thì việc chạy ăn nuôi chúng còn phải vất vả lo toan đến cỡ nào nữa!

Thật ra với cách ăn uống của heo rừng lai, khâu chạy thức ăn có nguồn gốc thực vật phải nói là “gay” hơn việc lo thức ăn tinh nuôi chúng. Thức ăn tinh chỉ chiếm 10% trong khẩu phần ăn. Với thức ăn tinh nếu vì một lý do nào đó không thể pha trộn được, ta có thể mua cám viên bên ngoài cho ăn.

Có điều một khi đã nuôi heo rừng lai với số lượng lớn, chủ nuôi nào cũng có sẵn đất đai rộng rãi, nếu không là đất nông trại thì là đất vườn tạp, đất hoang hoá ở vùng sâu, vùng xa… Ngoài khu vực nuôi heo rừng lai ra họ còn có khu sản xuất trực tiếp thức ăn để nuôi heo nữa. Đó là cách chủ động nguồn thức ăn tốt nhất để nuôi heo.

Trong khu sản xuất thức ăn để nuôi heo này, tuỳ vào tình trạng đất đai tốt xấu ra sao, khí hậu vùng như thế nào để chia ra từng đám để trồng các thứ rau củ quả dùng làm thức ăn nuôi heo. Nếu là vùng sâu trũng thì trồng rau muống, vùng đất cao thì cuốc vồng trồng khoai lang, khoai mì, hoặc tỉa bắp, đậu… Những vùng đất đầu thừa cuối thẹo thì trồng chuối hột để lấy thân, lá và bắp chuối làm món ăn khoái khẩu nuôi heo rừng lai…

Mặt khác, cũng nên chừa ra một vài vạt đất để trồng cỏ cao sản như cỏ Stylo, Ruzi… vừa có năng suất cao vừa thu cắt ngắn hạn, có thân lá mềm cho heo ăn rất tốt. Cũng rất nên trồng càng nhiều càng tốt cây trà lá lớn Trichanthera Gigantea, giống cây được giới chăn nuôi nhiều nước trên thế giới đua nhau trồng để lấy lá làm thức ăn nuôi gia cầm, gia súc, trong đó có cả heo vì rất bổ dưỡng.

Trồng cây Gigantea:

Cây Trichanthera Gigantea, còn gọi là trà khổng lồ hay cây “đa dụng” được trồng tại nhiều nước trên thế giới, để lấy lá làm thức ăn nuôi các loại gia súc, gia cầm và cả cho cá ăn nữa.

Lá cây trà Gigantea được xem là nguồn bổ sung chất đạm và caroten cho heo. Do lá có mùi vị dễ ăn nên heo rất thích như chúng thích ăn các loại rau lang, rau muống vậy. Lá trà Gigantea được đánh giá là nguồn bổ sung rau xanh nuôi gia súc, gia cầm dưới dạng lá tươi hay dưới dạng bột.

Cây Gigantea được nhập vào nước ta từ năm 1990, và khoa chăn nuôi của trường Đại học Cần Thơ trồng thử nghiệm tại Ô Môn cho năng suất khá cao. Cây thích nghi rộng rãi trong điều kiện khô hạn, hạp với đất nhiễm phèn nhẹ, và có khả năng chịu được úng ngập trong vài ba ngày.

Giống cây này không thích hợp với nơi trống trải có ánh sáng trực xạ, vì cây chịu rợp. Vì vậy, nếu đem trồng xen vào vườn cà phê, vườn cao su hay vườn cây ăn trái cây sẽ phát triển tốt hơn.

Cây trà Gigantea không quá kén đất trồng, nhưng trước khi trồng cần phải cuốc xới đất cho tơi xốp, dọn sạch cây tạp và cỏ dại cùng các tạp chất lẫn trong đất. Sau đó, đào hố với kích thước 30x30x30cm, hố cách hố khoảng 70-80cm rồi bón lót phân chuồng gần ngập hố.

Nhân giống cây trà Gigantea bằng hom. Hom được chặt ra từ những cành chưa già nhưng cũng không còn non, mỗi khúc dài khoảng 20cm. Hom này đem đặt ngay vào hố, trên khoả lớp đất mỏng trồng ngay cũng được, nhưng tốt nhất là nên giâm hom vào bầu đất (có trộn phân chuồng) đặt vào chỗ mát trong vài ba tuần cho ra rễ rồi mới đặt vào hố trồng, như vậy cây mới phát triển mạnh hơn.

Nếu gặp cuộc đất tốt lại tưới nước đầy đủ thì chỉ ba tháng sau ta có thể thu hoạch lá lần đầu. Các lần thu hoạch sau đó chỉ cách nhau một tháng, và năng suất có thể đạt được tới 60 tấn trên một héc ta mỗi năm.

Việc trồng cỏ cao sản để tạo nguồn thức ăn xanh nuôi heo rừng lai là việc nên làm. Vì rằng các giống cỏ cao sản vừa cho năng suất cao lại thu cắt được quanh năm, lại có nhiều chất dinh dưỡng nên dùng nuôi heo rất tốt. Thế nhưng, vì chỉ để nuôi giống heo nhỏ con là heo rừng lai nên ta chỉ trồng những giống cỏ có thân lá mềm như các giống cỏ họ đậu, như Stylo chẳng hạn.

Trồng cỏ Stylo: 

Cỏ Stylo là giống cỏ họ đậu, thân đứng, cao khoảng một mét, đã được trồng nhiều tại các nước vùng Đông Nam Á, và Trung tâm Nguyên cứu Thực nghiệm chăn Chăn nuôi Sông Bé nhập về trồng từ năm 1990 và cho kết quả tốt.

Giống cỏ này thích nghi với thổ nhưỡng nước ta, sức chịu hạn tốt nhờ vào bộ rễ khỏe ăn sâu vào đất đến 70cm. Giống cỏ này dễ trồng và nên chọn trồng vì có nhiều chất đạm dùng nuôi heo và các loại gia súc, gia cầm khác rất tốt. Thân và lá cỏ nên chặt thành khúc ngắn cho heo rừng lai ăn tươi hoặc phơi khô cho ăn dần cũng tốt.

Cỏ Stylo không quá kén đất trồng, nhưng đất cần cày bừa thật kỹ, được phơi ải để tận diệt hết những mầm mống con trùng độc hại đang sống trong đất, có như vậy đất mới đủ tốt để trồng giống cỏ thâm canh này có kết quả tốt được.

Sau khi cày bừa xong, đất được san bằng mặt, rạch hàng sâu khoảng 25cm, và hàng cách hàng khoảng 50cm rồi mới bón lót.

Loại phân thích hợp với cỏ Stylo là phân chuồi hoai và phân rác mục. Loại phân hữu cơ này có tác dụng cải tạo đất trồng, giúp đất tơi xốp màu mở hơn. Phân được rải lấp đầy khoảng 3/4 rãnh là vừa đủ.

Cỏ Stylo nhân giống bằng hột. Cứ một hécta cần dùng khoảng 8kg hột giống.

Sau khi bón lót phân chuồng xuống rãnh, ta phủ lên trên một lớp đất mỏng rồi mới rải hột giống lên. Và việc sau cùng là dùng tay khỏa lên trên cùng một lớp đất mỏng nữa cho bằng mặt, để hột giống lẫn vào đất vừa nảy mầm dễ dàng lại vừa tránh bị chim chuột và các loại con trùng khác đến tha đi.

Còn một cách nhân giống khác là gieo hột giống lên líp ương. Chờ cây con lên cao độ gang tay thì bứng lên trồng ra ruộng. Cách trồng cây con cũng theo hàng, cây cách cây 30cm và hàng cách hàng cũng 50cm. Chờ sau vài tuần cây bén rễ, nếu thấy cây nào ương yếu hoặc chết thì phải lo trồng dặm. Nếu được tưới bón đầy đủ, độ hai tháng rưỡi sau khi gieo trồng, ta đã thu hoạch cỏ đợt đầu, và các đợt sau cách nhau khoảng 6 tuần cắt một lứa. Cỏ Stylo cho năng suất khoảng 100 tấn một năm trên một hécta.

Trồng cỏ Andro: 

Cỏ Andro là giống cỏ hòa thảo thân bụi, lá và thân đều mềm nên là thức ăn tốt cho heo rừng lai. Giống cỏ này cũng được Trung tâm Nguyên cứu Thực nghiệm Chăn nuôi Sông Bé nhập về trồng tại nước ta từ năm 1993.

Cỏ Andro dễ trồng, chịu hạn tốt, thích nghi với thổ nhưỡng nước ta. Cỏ Andro không kén đất trồng nhưng không chịu đất úng ngập và đất nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng. Và cũng giống như cỏ Stylo, cỏ Andro cũng chịu rợp nên trồng xen trong vườn cây ăn trái, vườn điều, vườn cao su vẫn đạt năng suất cao.

Có hai cách nhân giống: nhân giống bằng hom thân và nhân giống bằng hột.

Sau khi đất trồng được cày bừa kỹ cho tơi xốp, dọn sạch cỏ dại, sau đó cũng rạch hàng giống như cách trồng cỏ Stylo vừa trình bày ở trên, cũng bón lót bằng phân chuồng hoai mới đặt hom thân xuống. Sau này cỏ Andro sẽ mọc thành bụi, vì vậy không nên đặt hom quá gần vì như vậy sau này cỏ không thể nở bụi to được. Khoảng cách giữa hai hom nên chừa từ 30-40cm là vừa.

Còn muốn nhân giống bằng hột thì không nên dùng hột tươi (hột mới vừa thu hái trong mùa này) mà nên dùng hột giống cũ thu được từ mùa trước mới dễ mọc mầm.

Dù nhân giống bằng hột cũng phải rạch hàng rồi bón lót đầy đủ mới giao hột xuống được. Hoặc là giao hột lên líp ương trước, chờ cây con lên cao độ gang tay mới bứng lên trồng ra ruộng.

Cỏ Andro tuy có khả năng chịu hạn giỏi, nhưng cũng cần được tưới nước đầy đủ trông mùa nắng hạn thì cỏ mới đạt được năng suất cao.

Việc thu hoạch cỏ Andro cũng giống với cỏ Stylo: Trồng được hai tháng rưỡi mới bắt đầu thu hoạch đợt đầu, và các đợt thu hoạch sau cứ cách nhau mỗi tháng một lứa. Điều cần biết là khi thu hoạch không nên cắt sát gốc mà phải chừa lại phần gốc khoảng 6cm để chừa chỗ cho mầm chòi phát triển sau này. Và sau mỗi lần thu hoạch cần được bón thúc với phân vô cơ, nhưng trước đó phải nhổ hết cỏ dại.

Tận dụng nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương:

 Biết tận dụng nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương mình để nuôi heo rừng lai nói riêng, và nuôi các loại gia súc, gia cầm khác nói chung là cách làm giảm chi phí nuôi heo. Đây là nguồn thực phẩm vừa dồi dào vừa có sẵn quanh năm dù có bỏ tiền ra mua cũng rẻ, lại ích tốn phí chuyên chở.

Tại địa phương có thức ăn gì nuôi heo được là ta nên tận dụng hết. Chẳng hạn như thu cắt cỏ tự nhiên, mua các thứ rau củ quả dạt ra từ các chợ, mua các phụ chế phẩm công nghiệp như hèm rượu bia, xác mì, xác đậu nành…

  • Thu cắt cỏ tự nhiên: Cỏ tự nhiên còn gọi là cỏ đồng, là thứ cỏ mọc hoang trên các vùng đất hoang hóa ở ngoài đồng, ngoài bãi, không có bàn tay con người chăm lo tưới bón nên sản lượng kém mà chất lượng cũng không cao. Cỏ đồng chỉ xanh tốt vào mùa mưa, và khôn héo tàn rụi vào mùa nắng hạn. Thế nhưng, đây là thứ cỏ trâu bò, dê cừu đều thích ăn, dùng nuôi heo rừng lai cũng tốt.
  • Tận thu râu củ quả dạt ra từ các chợ: Tất cả các chợ trong nước, từ thôn quê đến thị thành đều có bán các mặt hàng rau củ quả với số lượng nhiều lại có quanh năm. Thế nào trong số đó cũng có một số lớn bị hư hao do bị úng giập, héo úa phải dạt bỏ ra bán rẻ hoặc đổ bỏ. Thứ hàng phế phẩm này nên thu mua về lựa ra rồi rữa lại cho sạch, dùng làm thức ăn nuôi heo rừng lai.
  • Tận dụng nguồn thức ăn từ phụ phế phẩm công nghiệp: Nếu tại địa phương có những phụ phế phẩm công nghiệp như hèm rượu bia, xác mì (bã mì), xác đậu nành (bã đậu nành)… ta nên tận dụng làm thức ăn nuôi heo rừng lai rất tốt. Mắt dù giá trị dinh dưỡng của thức ăn dạng này không cao, nhưng trong đó cũng chứa nhiều chất đạm, chất bột đường, khoáng chất, vitamin… có lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của heo rừng lai, cũng như nhiều giống gia súc khác.
    • Hèm rượu bia: Hèm rượu bia có giá trị dinh dưỡng cao, có chứa nhiều protein, khoáng chất và vitamin, nhất là vitamin nhóm B (khoảng 4,5kg hèm bia có giá trị năng lượng tương đương với một kí thức ăn tinh hỗn hợp) nên cho heo rưng lai ăn rất tốt. Cho heo ăn hèm bia dưới dạng thức ăn tươi, hay có thể pha trộn với cám lau, xác mi, xác đậu nành. Hèm bia có mùi vị thơm ngon, có chứa chất kích thích tính thèm ăn nên heo rừng lai mọi lứa tuổi, kể cả heo nái, heo nọc và các giống gia súc khác đều thích ăn. Có điều thức ăn này không được phổ biết lắm, lẽ dễ hiểu là chỉ những vùng nào có sự hiện diện của nhà máy bia mới có sản phẩm này để nuôi heo.
    • Xác mì: Xác mì là phụ phế phẩm của khoai mì sau khi đã lấy đi phần tinh bột. Thế nhưng, thực tế cho thấy trong xác mì hàm lượng tinh bột vẫn còn khá cao, nguồn năng lượng cũng rất cao, chỉ riêng hàm lượng protein thấp (30g trong một kí chất khô). Cho nên dùng xác mì dưới dạng tươi để nuôi heo rừng lai là điều nên làm. Xác mì phơi khô dùng làm nguyên liệu trong thức ăn tinh hỗn hợp.
    • Xác đậu nành: Xác đầu nành là phụ phế phẩm của hột đậu nành hay đậu hủ (đậu phụ). Trong xác đậu nành có hàm lượng protein và chất béo cao, nguồn năng lượng cũng cao nên là thức ăn tốt để nuôi heo rừng lai. Thức ăn này rẻ tiền và hiện nay vùng nào cũng có, không đến nỗi khan hiếm như hèm rượu bia, nơi có nơi không. Được biết, khoảng 7kg xác đậu nành mới có giá trị năng lượng tương đương với một khí thức ăn tinh hỗn hợp.

Dự trữ ngũ cốc: 

Ngũ cốc dùng làm thức ăn nuôi heo rừng lai như lúa, bắp, gạo lứt, đậu xanh, đậu phộng,… tuy heo rừng lai ăn không nhiều nhưng thiết hụt không được. Loại thức ăn này thường có mùa thu hoạch nên giá cả thường không ổn định mà lên xuống thất thường, có khi còn khan hiếm nữa. Vì vậy, chờ đến mùa ta nên mua để dự trữ cho heo ăn dần (nếu nuôi với số lượng bầy đàn nhiều mới phải lo xa như vậy). Đến mùa thu hoạch thì mua được giá rẻ lai nhiều nên dễ mua.

Ngoài ra, ta cũng nên dữ trữ khoai lang, khoai mì rồi xắt lát phơi khô…

Điều quan trọng là phải biết cách bảo quản cho tốt, nếu không sẽ bị ẩm mốc hay bị sâu mọt làm cho hư hao.

Nước uống:

Như phần trên chúng ta đã trình bày,  muốn nuôi heo rừng lai cần có sẵn nguồn nước sạch mới nuôi được. Nước không những để dùng cho heo uống mà còn sử dụng vào những công việc cần thiết khác như tắm heo, nấu thức ăn cho heo, và làm vệ sinh chuồng trại.

Heo rừng lai uống nước không nhiều như heo nhà, vì heo nhà ăn thức ăn khô là chính, trong khi heo rừng lai lại ăn nhiều rau cỏ tươi (chiếm 90% khẩu phần ăn) nên ít uống nước hơn. Trung bình một con heo rừng lai trưởng thành, mỗi ngày chỉ cần uống 2 đến 3 lít nước mà thôi.

Ta nên cung cấp nước sạch (nước mưa, nước máy, nước giếng) đổ đầy máng cho heo uống tự do cả ngày lẫn đêm. Máng nước cần được cỏ rửa sạch sẽ mỗi ngày, trước khi thay nước mới vào.