Chọn heo để giống
Chia sẻ:

Heo nuôi cho sinh sản sau này dù là heo rừng hay heo rừng lai cũng phải chọn lựa chọn ra từ những con to lớn nhất, sởn sơ nhất trong đàn mà nuôi. Những heo con từ nhỏ cho đến ngày lẻ bầy mà không vướng tật bệnh gì là những con có sức Khỏe tốt, có sức đề kháng mạnh, nuôi tiếp sẽ lớn nhanh.

Còn nếu chọn lựa từ heo lứa, tức heo được năm sáu tháng tuổi trở lên, ngoài việc biết rõ lý lịch của nó, còn phải xem sức Khỏe của nó tốt xấu ra sao. Nên chọn những con heo rừng năng động, không kén ăn và ăn ngon miệng, mũi màu hồng ươn ướt, mắt sáng lanh lợi, lông có sắc bóng và mềm … những dấu hiệu lộ ra ngoài đó giúp cho ta biết con heo đó có sức Khỏe tốt.

Càng khắt khe với chính mình trong việc chọn lựa ra những con heo đạt chuẩn để làm giống ta càng gặt hái được nhiều thành công hơn trong việc nuôi heo để giống.

Cách chọn heo đực để giống: Heo đực làm giống, nếu tốt có thể nuôi đến bốn năm năm trở lên mới thải ra vỗ béo bán thịt. Trong suốt thời gian dài đó nó đem lại cho ta biết bao nhiêu là nguồn lợi. Vì vậy, với người nuôi heo rừng nhiều kinh nghiệm, không ai lại cho phép mình dễ dãi trong việc chọn lựa heo đực để nuôi. Do đó, chọn heo đực để giống còn kỹ lưỡng hơn chọn heo cái để giống nữa.

Nếu heo đực thuộc giống heo rừng thuần chủng, nên nuôi loại heo mới được vài ba tháng tuổi. Do chúng còn khờ dại, chưa quá nhát người nên dễ thuần dưỡng hơn loại heo rừng đã già tháng tuổi.

Nếu heo đực thuộc heo lai dòng F4 thì ngoài việc chọn con có vóc dáng cao to, bốn chân chắc Khỏe, năng động, không bị dị tật, còn phải chú ý kỹ đến bộ phận sinh dục của nó xem tốt xấu ra sao. Nên chọn những con có đủ hai dịch hoàn to và đều, bìu dái không xệ, không thòng xuống. Dương vật của heo phải thẳng và nằm trong da bao. Heo đực làm giống cũng chọn những con có đủ 6 cặp vú đều đặn và không có vú lép.

Đặc biệt, cần phải chọn nuôi những heo đực có tính hiền lành (heo rừng lai cũng có những con tính hung dữ như heo rừng từ lúc còn nhỏ tháng tuổi). Vì rằng heo đực có hiền mới dễ dạy, mới dễ tập luyện đi vào nề nếp. Mà khi đã thuần rồi thì nạt nộ chúng biết sợ, sai bảo chúng biết nghe lời. Trái lại, gặp heo nọc dữ, lúc nào chủ nuôi cũng phải lo cảnh giác cao độ, nếu chủ quan có ngày sẽ mang họa với nó. Nhất là nuôi phải heo nọc rừng già, sức Khỏe mạnh như trâu, mõm bạnh ra với cặp nanh to cong vòng lên như cặp ngà của voi Ma Mút, lúc nào cũng muốn gây sự. Vì vậy, việc thuần hoá heo nọc được thuần thục, hiền lành là việc không ai dám lơ là.

Cách chọn heo cái để giống: “Mua heo chọn nái”, đó là kinh nghiệm quý báu đã có từ ngàn xưa của ông bà ta xưa. Vì rằng, nuôi được con héo nái tốt ta sẽ nhờ cậy được ba bốn năm liền hoặc hơn nữa. Nái tốt là nái sinh sản tốt, đẻ đều và đẻ sai, như vậy có khác chi một máy in tiền giúp ta phát tài, phát lộc?

Chọn heo để nái, dù đó là heo cỏ nội địa hoặc heo rừng lai dòng F4, ta cũng chọn theo những tiêu chuẩn sau đây:

  • Nếu là heo tơ, ta nên tìm hiểu kỹ lý lịch của heo mẹ, xem mẹ nó là thuần chủng cỏ nội địa hay heo rừng lai thuộc dòng F mấy, để căn cứ vào đó mà tiếp tục lai tạo ra giống thuần hơn (F4).
  • Nếu là heo nái đã sinh sản được một vài lứa thì nên chọn những nái tính hiền mà nuôi. Nái dữ dễ sinh sẩy thai do thường xuyên gây hấn với đồng loại, và cũng gây trở ngại, nếu không muốn nói là nguy hiểm cho chủ nuôi mỗi khi cần tiếp cận chúng để cho ăn uống, chăm sóc. Chắc chắn những con được chọn đều là heo sinh sản tốt, mắn đẻ và nuôi con khéo.

Và, dù là heo lứa hoặc heo con, heo đã sinh sản, ta cũng chọn nuôi những con có thân hình cân đối, Khỏe mạnh, năng động, mông nở nang (sinh đẻ dễ), đủ sáu đôi vú và bộ phận sinh dục không có khuyết tật gì.

Những heo nái có tật kén ăn, ăn ít hoặc có nết ăn xấu cũng không nên chọn nuôi.