Phương pháp nuôi heo đực giống
Chia sẻ:

Heo đực lúc nhỏ mới được vài ba tháng tuổi, con nào tính cũng hiền như heo cái, kể cả giống heo rừng và heo rừng lai cũng vậy. Thế nhưng, khoảng bốn tháng tuổi trở đi, chúng bỗng đổi tính đổi nết, ưa húc phá chuồng trại, làm xáo trộn cuộc sống vốn bình lặng của các heo khác sống tập thể trong chuồng, nhất là những heo cái.

Hiện tượng gây náo động đó không phải là do nó “ăn no rửng mỡ” như một số người lầm tưởng, mà là những con heo đực chưa thiến đó đã bắt đầu bước sang tuổi động dục.

Heo đực ở lứa tuổi này nếu cho phối với heo nái đang đến kỳ “lên giống” cũng có thể đậu thai, mặc dù tinh trùng nó còn ít và yếu. Đàn con sinh ra không hy vọng được khỏe mạnh, sởn sơ.

Heo đực chỉ có khả năng phối giống tốt từ tháng tuổi thứ 6 hoặc thứ 8. Nuôi heo rừng lai và heo cỏ nội địa, heo đực sáu tháng tuổi đã bắt đầu phối giống tốt. Con đực ở vào tuổi này mỗi lần phối giống có thể xuất hơn 100ml tinh dịch (mỗi ml tinh dịch có khoảng 250 triệu tinh trùng).

Dĩ nhiên, trong đàn heo con, chỉ những heo đực nào tốt tướng, đạt chuẩn để giống mới được giữ lại nuôi làm giống. Còn những heo đực đèo đẹt hoặc không cần thiết để giống thì chủ nuôi nào cũng đem thiến từ khi chúng mới được một tháng rưỡi tuổi, chứ không để “già’’ hơn. Thiến vào lúc heo con chưa lẻ mẹ, còn bú nó mới mau lại sức và lớn nhanh. Đực đã thiến thì hiền lành, chậm chạp, nuôi mau lớn và sau này phẩm chất thịt mới được thị trường ưa chuộng.

Phải nuôi xa khu vực nuôi heo cái: Heo đực chọn ra để giống, khi được bốn tháng tuổi là tuổi sắp động dục thì nên bắt ra nuôi riêng mỗi con một chuồng, cách ly khỏi đàn heo cái.

Chuồng nuôi heo đực phải nằm cách xa khu vực nuôi heo cái khoảng vài mươi mét trở lên mới tốt, như vậy là tránh để heo đực, heo cái không thấy được nhau.

Heo đực ở tuổi này rất sung sức, hễ thấy bóng dáng heo cái là nó muốn phá chuồng mà ra, nhất là khi “đánh hơi” được mùi đặc trưng của heo cái đang đến kỳ động dục thì heo đực trở nên hưng phấn lạ thường, nó chạy tới chạy lui lăng xăng rối rít như muốn phá chuồng cho sập mà ra.

Vì bản tính heo nọc hung hàng như vậy nên chuồng nuôi nó cần phải làm chắc chắn, vững chải, vách ngăn phải đủ cao (trên 1,2m) rộng khoảng 10m2, như vậy mới mong cầm giữ nó được.

Tập vào nề nếp: Ở tuổi trường thành, heo đực nào cũng sung sức và tỏ ra hung dữ. Lúc nhỏ nó hiền bao nhiêu thì khi lớn nó lại dữ bấy nhiêu. Nếu không được luyện tập cho vào nề nếp, ta sẽ khó lòng điều khiển và sai khiến được nó.

Không hiếm những người nuôi được con heo nọc tốt nhưng do nó quá dữ dám tấn công lại mình nên cuối cùng đành phải đem thiến để nuôi thịt.

Việc huấn luyện cho heo đực thuần tính nên bắt đầu từ khi nó còn là chú heo con chưa dứt sữa mẹ, chứ đừng chờ đến lúc nó khôn lớn, đã “cứng đầu” khó bảo. Tập dạn với chủ bằng cách hàng ngày bắt ra tắm chải, rồi vuốt ve cho nó “quen hơi bén tiếng” dần với mình. Cứ kiên nhẫn tập như vậy cho đến khi nào mỗi khi thấy bóng dáng mình từ xa đi đến là nó tách ra khỏi đàn để chạy đến, thì coi như bước đầu tập luyện đã thành công.

Khi bắt ra nuôi riêng, hằng ngày ta vẫn tìm dịp tiếp cận với nó, vẫn tắm chải, vẫn dùng tay vỗ về tỏ ý thân thiện với nó, và nhất là tự mình đến cho nó ăn uống mỗi bữa.

Tuy vậy, từ đây, bên cạnh sự biểu tỏ tình cảm thân thiết đó của mình, như mỗi khi heo phạm vào một lỗi gì như ăn uống vung vãi chẳng hạn, ta cũng nên cho nó thấy cái “uy” của mình để nó biết sợ mà chừa. Vì ở vào lứa tuổi trưởng thành này, tính bướng bỉnh của heo đực bắt đầu bộc lộ dần ra.

Do sự hưng phấn trong mình bốc lên đến cực độ nên heo đực như bị kích thích lên cơn điên, lúc nào cũng muốn phá phách chuồng trại bất kể ngày đêm, đến nổi không màng đến việc ăn uống.

Tuy hung dữ, nhưng do được tập luyện từ trước nên nó cũng biết kiêng sợ ngọn roi hay cây gậy của ta đang lăm le muốn đánh nó. Chỉ cần nghe một vài câu nạt nộ to tiếng, và kèm theo mấy cú đập chát chúa vào vách chuồng để thị uy, cũng làm cho sự hung hăng trong nó bị chùng xuống ngay.

Trong việc tập luyện heo nọc đi vào nề nếp, cách tốt nhất vẫn là dùng lời to tiếng nạt nộ, tỏ ra mình không hề nhượng bộ trước sự hung hăng dữ dằn của nó, chứ không nên sự dụng roi vọt đánh đạp tàn bạo. Roi vọt chỉ dùng để dọa là chính, chỉ đánh nhẹ vào mông, vào má nó lúc điều khiển tới, lùi, rẽ qua phải, trái. Chỉ khi nào nó tỏ ra nguy hiểm, dám tấn công lại mình thì lúc đó mới vụt cho một vài roi vào mông đủ đau để nó sợ mà thôi.

Khi đã được huấn luyện thuần thục, heo nọc trở nên dễ dạy, biết nghe lời. Mỗi lần ta đến mở rộng cửa chuồng với cây roi nhịp nhịp trên tay là nó biết sẽ đi đâu, làm gì. Và khi được lùa về, nó ngoan ngoãn vào chuồng chứ không dám cự nự gì cả.

Để giữ khả năng truyền giống được tốt: Muốn cho heo nọc có khả năng phối giống tốt, sử dụng được ba bốn năm trở lên, ta cần phải biết cách nuôi dưỡng chúng:

  • Heo đực rừng thuần chủng và cả heo rừng lai vốn là giống không thích hợp mấy với cách nuôi nhốt tù hãm trong chuồng (dù đủ rộng) lâu ngày được, do đó cần cho heo ra vận động ngoài trời khoảng vài ba giờ đến một buổi (buổi sáng) trong ngày mới tốt. Nhờ được vận động như vậy heo mới khỏe mạnh, có khung xương cứng chắc, biết ăn ngon miệng và khỏi bị mập ú. Muốn vậy, ngoài việc làm chuồng rộng rãi, thông thoáng mát mẻ, còn phải tạo khoảng sân nắng cạnh chuồng đẻ mỗi sáng thả heo ra đó cho nó vận động tự do.
  • Chỉ nên cho heo nọc phối giống có chừng mực. Heo mới một năm tuổi, mỗi tuần chỉ cho phối tối đa từ 2 đến 3 heo nái. Heo nọc 2 năm tuổi, mỗi tuần tối đa chỉ cho phối từ 3 đến 4 heo nái mà thôi. Vẫn biết heo nọc rất sung sức, nhiều con có khả năng phối được hai heo nái mỗi ngày, nhưng nếu tận dụng sức lực của nó quá mức độ, nó sẽ mau kiệt sức.

Điều tốt nhất là tuần nào cũng có sẵn heo nái lên giống để cho đực phối, dù chỉ một con cũng được. Không nên để cho heo nọc phối giống dồn dập nhiều ngày liền liên tiếp khiến heo mau kiệt sức. Và cũng tránh để heo nọc ngưng phối giống một thời gian dài rồi mới bắt đầu cho phối lại, vì như vậy nó trở nên lười biếng, và heo nái cũng khó đậu thai.

Khẩu phần ăn hằng ngày của heo nọc phải đầy đủ chất dinh dưỡng, trong đó không thể thiếu khoáng chất và vitamin. Sau mỗi lần phối giống xong, cần bồi dưỡng cho heo nọc nửa chục trứng gà (cho ăn sống), ăn thêm giá sống, lúa mộng, cháo đậu xanh để heo mau lại sức. Ngoài ra, cần cho uống nước cám pha ít muối.