Cách làm chuồng trại
Chia sẻ:

Hễ nói đến heo rừng lai chắc nhiều người đều liên tưởng đến giống heo năng động, khỏe mạnh, vừa dữ tính vừa phá phách chuồng trại chứ không thuần thục như heo nhà, nên khi nuôi chúng cần phải lo chu đáo đến khâu làm chuồng trại cho chắc chắn mới mong cầm giữ nó được.

Thật ra, giống heo rừng lai này đa số có tính dữ hơn heo nhà, nhưng chúng chỉ dữ khi bị săn đuổi vào đường cũng chứ bình thường thì rất nhát, hễ thấy bóng người đến gần là nhiều con đã chực dợm mình trốn chạy, hoặc tìm nơi kín đáo nhất gần đó như lùm bụi rậm rạp để ẩn núp. Với những con được thuần dưỡng từ nhỏ, dù là heo nọc cũng thuần tính, dễ sai khiến không khác gì các giống heo nhà.

Có điều đây là giống heo năng dộng, cả ngày thích chạy rông kiếm ăn đây dó, thích húc phá gốc cây, rào giậu, và ủi giủi đất để tìm con trùn, con dế và các thứ củ trong đất mà ăn. Vì vậy cách nuôi thả xem chừng thích hợp với tính năng động của chúng hơn là nuôi nhốt. Tuy vậy, nuôi nhốt trong ngăn chuồng chật hẹp như cách nuôi heo nhà, heo rừng lai vẫn sinh trưởng tốt.

Chọn địa thế thích hợp để làm chuồng trại

Nuôi heo rừng lai cũng chọn cho được địa thế thích hợp để làm chuồng trại mới có lợi.

Địa thế thích hợp ở đây là phải cách xa khu vực dân cư sinh sống, và phải là cuộc đất cao ráo và đủ rộng rãi, thoáng mát, màu mỡ…

Tại sao chuồng trại phải cần cách xa khu dân cư sinh sống? 

Nuôi heo rừng lai với số lượng ít độ một vài con, ba bốn con thì vấn đề chọn địa thế thích hợp để làm chuồng trại ta có thể không cần quan tâm đến. Nhưng, nếu cần nuôi với số lượng nhiều chừng vài mươi con trở lên thì bắt buộc phải nuôi cách xa khu vực dân cư sinh sống để tránh ô nhiễm và tránh cả tiếng ồn.

Xưa nay, hễ nói đến việc nuôi heo là ai cũng nghĩ đến vấn đề môi trường bị ô nhiễm, do chất thải của heo rồi nước tắm heo, nước dội chuồng… dù khâu vệ sinh có được giữ gìn chu đáo đến đâu cũng không tránh được mùi hôi thối, xú uế. Đó là chưa nói đến tiếng ồn do heo gây ra, do số nhân công lui tới làm việc réo gọi í ới với nhau. Quý vị cứ tưởng tượng tới bữa chưa kịp cho ăn, trước cảnh “cám treo heo đói”, cả đàn heo cùng cất tiếng kêu lên eng éc đòi ăn, thì tiếng ồn ào khủng khiếp đó màng nhĩ nào mà chịu cho thấu! Cách tới bữa đòi ăn của con heo rừng lai cũng đâu khác gì heo nhà?

Mặt khác, điều có lẽ ít ai ngờ tới là chuồng trại nuôi heo rừng lai nằm cách xa khu vực dân cư sinh sống còn thích hợp với đời sống của giống heo này. Vì rằng, chúng thích sống ở nơi vắng vẻ, yên tĩnh, càng ít người lui tới càng tốt, càng xa rời những âm thanh chát chúa của động cơ xe máy và nhất là tiếng người nói ồn ào từ khu vực chợ búa, trường học dội lại, chúng càng cảm thấy được yên thân ngủ nghỉ.

Tại sao chuồng trại phải làm trên cuộc đất cao ráo? 

Heo là loài vật thích ở nơi cao ráo, sạch sẽ. Con heo rừng tuy khi kiếm ăn thường dũi mõm trong đất sình dơ bẩn để tìm con trùn, con dế, con sò, con ốc mà ăn; và thường thích dầm mình trong những khu đầm lầy hàng giờ khiến toàn thân lấm lem gớm ghiếc. Thế nhưng, khi trở về nơi ngủ nghỉ chúng lại chọn cuộc đất cao ráo, sạch sẽ, có sẵn tàn cây che bóng mát bên trên (Thật ra ta cũng biết heo rừng thích ngâm mình trong bùn lầy không phải do chúng thích ở dơ, mà là có cơ hội cạ mình vào sình lầy để tận diệt bọn ký sinh trùng như ve, vắt, bọ chét bám vào da để hút máu mà sống khiến heo bị ngứa ngáy toàn thân rất khó chịu. Thói quen ưa cạ mình vào gốc cây của heo rừng cũng nhằm vào mục đích này).

Vì vậy, khi lặp chuồng trại nuôi heo rừng lai ta cùng nên chọn cuộc đất cao ráo, như cách nuôi heo nhà. Chuồng làm trên cuộc đất cao ráo sẽ không bị cảnh ao tù nước đọng, ruồi muỗi cũng như các loại vi trùng, vi khuẩn không còn đất sống nên heo được khỏe mạnh luôn, sống sởn sơ mau lớn.

Tuy vậy, ta cũng nên đào mương xẻ rãnh tạo hệ thống thoát nước hữu hiệu chung quanh khu vực chuồng trại để lúc nào nơi đây cũng được khô ráo, sạch sẽ.

Tại sao khu vực chuồng trại cần chọn nơi đất đai màu mỡ?

Heo rừng lai cũng có lối sống như heo rừng thuần chủng, chúng thích sống vùng có cây cối tươi tốt quanh năm, vừa cung cấp đầy đủ thức ăn tươi, vừa có bóng mát giúp chúng sống khỏe mạnh hơn, ít tật bệnh hơn.

Chuồng trại nuôi heo rừng lai nếu làm nơi đất đai màu mỡ ta có thể trồng các thứ rau cỏ, cây trái dùng làm thức ăn nuôi heo, giúp giảm được chi phí thức ăn.

Vì vậy, những vùng đất xấu khô cằn bỏ hoang hoá lâu ngày không cày bừa cuốc xới trồng trọt, không có giống cây nào sống được thì dứt khoát không chọn nơi này làm chuồng trại nuôi heo rừng lai. Nơi mà đất đai khô cằn thì quanh năm nắng nóng, heo không những chậm phát triển mà còn bị lắm thứ bệnh tật tấn công.

Thà là chọn vùng cũng gọi là đất hoang vì đâu đâu cũng chỉ toàn có cây cao bóng cả, hoặc khu rừng chỉ có giống tre rừng mọc được mà thôi, còn có lợi hơn. Vì nơi cây cao bóng cả tuy thiếu cái ăn nuôi heo nhưng quanh năm mát mẻ vốn là môi trường sống thích hợp với giống heo rừng. Còn vùng chỉ độc có mỗi loại tre rừng “độc chiếm” xem ra lại có điều lợi vì có nơi cho heo rừng lai chui rúc ẩn nấp, có sẵn măng tre vốn là thứ thức ăn khoái khẩu của giống heo này.

Khu vực làm chuồn trại cần có sẵn nguồn nước ngọt và sạch

Một điều không thể thiếu tại khu vực dự định làm chuồn trại nuôi heo rừng lai là phải có sẵn nguồn nước ngọt và sạch để lấy nước cho heo uống, tắm rữa và vệ sinh chuồn trại. Nếu cạnh khu vực nuôi heo mà có sẵn sông suối để có nước mà dùng thì không gì tiện lợi bằng. Không có sông suối thì ta phải nghĩ đến việc đào hay đóng giếng. Nếu thiếu hẵng nguồn nước để dùng thì dù có tìm được cuộc đất rất ưng ý đi nữa cũng trở nên vô dụng.

Có ba cách nuôi heo rừng lai

Xưa nay, khi bàn đến việc nuôi dưỡng thú vật rừng nói chung, nhiều người cho rằng đã là thú hoang dã thì con nào cũng khó nuôi, vì chúng vốn quen với đời sống phóng túng, tự do nên không thể thích nghi được với môi trường sống chật hẹp trong chuồng, trong lồng. Đã thế, mỗi giống loài lại quen với thức ăn riêng do chúng tự tìm kiếm lấy thì làm sao dễ dàng chấp nhận thứ thức ăn lạ của chủ nuôi ban phát cho.

Đó là chưa nói đến trở ngại lớn đối với chúng là phải sống chung đụng với con người, vốn là loài mà chúng coi như kẻ thù nguy hiểm nhất, chỉ thấy bóng dáng xuất hiện từ xa là đã khiếp sợ lo tìm đường chạy trốn.

Điều nhận xét đó không ai dám bảo là sai, nhưng với heo rừng lai thì lại khác. Heo rừng lai, dù mới chỉ lai có một đời (F1) vẫn dễ nuôi, dễ thuần thục không khác mấy heo nhà.

Với heo rừng lai, ta có thể tuỳ vào điều kiện đất đai sẵn có rộng hẹp ra sao mà nuôi theo một trong ba cách sau đây:

Cách nuôi nhốt

Trong điều kiện đất đai chật hẹp, lại chỉ nuôi với số lượng ít, ta có thể nuôi heo rừng lai (nuôi heo thịt hay để giống) trong các ngăn chuồng chật hẹp như cách nuôi heo nhà. Ngăn chuồng nuôi heo nọc và heo nái nuôi con cần có diện tích rộng từ 8 đến 10m2, còn chuồng nuôi heo lứa khoảng 6m² cho mỗi con là đủ rộng.

Vật liệu làm chuồng nuôi heo rừng lai tốt nhất là dùng gạch, đá, cát, xi măng để xây vách ngăn và tráng nền chuồng, như vậy mới bảo đảm được độ bền và chắc chắn. Mái lợp bằng tôn và phải cao hơn 2,5m để tránh nóng bức. Có điều vách ngăn cần được xây cao khoảng 1,4m cho heo nái và 1,6m ở chuồng heo nọc để ngăn ngừa chúng chồm phóng ra ngoài. Nền chuồng không thể tráng xi măng mà đủ chắc, cần phải “đúc” bê tông, như vậy giống heo này không thể dùng mỏm mà đào bới thành hang lỗ để đào thoát ra ngoài được.

Heo rừng lai nuôi theo cách này tuy vẫn sinh trưởng tốt, nhưng có nhiều điều bất lợi so với hai cách nuôi khác, đó là do nuôi nhốt nên heo ít vận động dễ bị mập mỡ, do đó nuôi heo thịt theo cách này không có lợi vì phẩm chất thịt kém. Heo giống nuôi nhốt như vậy cũng không tốt vì cả heo nọc và heo nái đều thiếu vận động nên sức khỏe suy kém, ảnh hưởng xấu đến việc sinh sản.

Điều bất lợi lớn phải kể đến là vì nuôi tại chuồng nên hằng ngày ta phải cung cấp đầy đủ thức ăn cho heo, trong đó có vitamin và khoáng chất, vì heo không thể tự kiếm ăn thêm bên ngoài được nên chi phí thức ăn tốn kém nhiều. Đó là chưa tính đến những tốn hao qua công chăm sóc và giữ gìn vệ sinh chuồng trại…

Cách nuôi thả tự do

Đây là cách nuôi heo của đồng bào dân tộc mà ta thường thấy khi có dịp ghé thăm các buôn làng của họ. Tại đây, do sống ở rừng, đất rộng người thưa, nương rẫy lại cách xa nhà ở nên họ nuôi heo không nhốt trong chuồng mà thả rông cho sống tự do như cách sống của heo rừng, gần như chẳng quan tâm đến việc phải cho ăn uống.

Mỗi sáng thức dậy, trước khi lên rẫy trồng khoai tỉa bắp, chù nhà lùa heo vô rừng để mặc cho chúng tự do đi đây đi đó kiếm ăn trong đó suốt ngày rồi chiều tối tự động kéo nhau trở lại nhà.

Suốt ngày bầy heo ở trong rừng, theo luật sinh tồn, chúng biết lần mò tìm đến những nơi có thức ăn nước uống để tự nuôi sống, dù không no đủ cũng không đến nỗi bị chết đói, chết khát. Nhờ biết sống kham khổ nên chúng ăn được các loại rau rừng cỏ dại, tự đào bới khoai củ, các thứ rễ cây mà ăn. Và khi khát, biết tìm ra sông suối để uống nước.

Tối trở về nhà, chủ nuôi mới cho ăn thêm bữa ăn bổ sung gồm có cám giã trộn với bắp, khoai và rau, sau đó lùa heo vào chuồng hay ở dưới nhà sàn, ngủ chung với các giống gia súc, gia cầm khác.

Nhà ở của đồng bào dân tộc đều là nhà sàn cất cao lên khỏi mặt đất chừng vài ba mét (những căn nhà sàn xưa còn sót lại cất cao đến 4m, vì thời xa xưa thú dữ còn nhiều) có thang để lên xuống. Mặt sàn bên trên là nơi người ở, còn bên dưới để nhốt gia súc, gia cầm, chung quanh có vòng rào bằng cây gỗ chắc chắn để ngăn chặn thú dữ đêm hôm léo hánh đến giết hại vật nuôi.

Nuôi heo theo cách thả rông như vậy có nhiều điều lợi:

  • Chỉ tốn tiền mua con giống và gần như không tốn kém thức ăn. Mà nhiều khi con giống để tăng bầy đàn cũng không phải tốn tiền mua, vì heo nái nhà đến kỳ động dục vào rừng đã có heo đực rừng tìm đến phối giống và hơn ba tháng sau đã có một đàn con.
  • Heo được vận động ngoài trời suốt ngày nên con nào cũng khỏe mạnh, năng động, có sức đề kháng cao, ít tật bệnh.
  • Heo mẹ sinh đẻ dễ dàng, bầy heo con khỏe mạnh, ít hao hớt.

Nhưng, nuôi theo cách này chuồng trại phải nằm cách xa khu vực đồng ruộng, vườn tược trồng hoa màu, cây trái như vậy mới không bị đàn heo kéo đến phá hại.

Cách nuôi heo trong vòng rào

Nuôi heo rừng lai trong vòng rào là cách nuôi phối hợp giữa hai cách nuôi nhốt và nuôi thả rông vừa đề cập ở trên. Cách nuôi này có nhiều ưu điểm nên được nhiều người ưa thích và được áp dụng rộng rãi nhiều nơi.

Nuôi trong vòng rào chỉ cần có cuộc đất đủ rộng, chừng một vài trăm mét vuông trở lên là có thể nuôi được từ mười con heo rừng lai trưởng thành trở lên. Và nuôi theo cách này không đòi hỏi chuồng trại phải làm tận các vùng sâu vùng xa, mà gần khu vực dân cư sinh sống cùng được miễn là khâu vệ sinh chuồng trại được chăm lo thật tốt. Và do heo được nuôi trong vòng rào nên cũng không phải lo đến việc chúng phá hại hoa màu cây trái của người khác, cho nên chỉ cần ra vùng ngoại ô các tỉnh thành là nuôi được rồi.

Trước hết, cũng phải chọn cho được thửa đất cao ráo và đủ rộng như ý muốn để làm chuồng trại. Nhưng, cái khoản được coi là tốn kém nhất trong khâu làm chuồng trại lại chính là vòng rào bao quanh khu vực chăn nuôi.

Vòng rào càng làm chắc chắn, bền bỉ càng dùng được lâu ngày và ngăn ngừa được heo rừng lai đào hang hốc để đào thoát ra ngoài theo tập tính vốn có tự nhiên cùa chúng.

Chúng ta đã biết loài heo rất thích nơi ở mát mẻ, không thích hợp với vùng nóng nực và lạnh lẽo. Vì heo chỉ có hạch mồ hôi ở mõm chứ không có hạch mồ hôi ở da, cho nên vào mùa nắng hạn heo nhà thích được tắm, còn heo rừng (hay heo thả rông) thích đào hang hố để nằm hoặc dầm mình trong các vũng lầy để tự điều hoà thân nhiệt tạo cảm giác dễ chịu. Tất nhiên chúng cũng có thói quen thích ủi dũi đất cát lên để tìm giun dế và các thứ củ rễ có trong đất để ăn. Ngoài ra heo còn không chịu được rét vì lông heo mọc quá thưa không đủ sức ngăn ngừa khí lạnh bên ngoài xâm nhập vào.

Quanh khu vực rào giậu phải đào móng sâu chừng 50cm, từ đó xây tường bao cao lên khỏi mặt đất cũng khoảng 50cm nữa (cả móng lẫn tường bao bên trên cao một mét, và tốt nhất là nên xây tường 20). Phần trên mặt tường bao còn căng kỹ lưới B40 loại cọng lớn mới đủ độ bền.

Trong khu vực nuôi, nếu muốn, ta phân ra thành nhiều ô lớn nhỏ khác nhau. Mỗi ô chuồng như vậy cũng phải xây móng thật chắc bên dưới, cũng có phần tường bao và lưới B40 rào giậu kỹ bên trên. Mỗi ô đều trổ cửa với đủ chốt khoá chắc chắn để heo và người chăm sóc ra vào khi cần thiết.

Chúng ta cứ tính mỗi con heo nái cũng như heo nọc cần sống trong một ô chuồng rộng 10m2. Và loại heo lứa độ 6m2 một con. Như vậy, nếu nuôi tập thể độ 10 heo nái thì ô chuồng cần rộng đến 100m² mới vừa. Riêng heo nọc phải nuôi mỗi con một ngăn chuồng, và nên nuôi cách xa chuồng nuôi heo nái dể ngăn ngừa nó “đánh hơi” được heo nái mà nổi cơn hưng phấn phá phách chuồng trại, không màng đến ăn uống dẫn đến dễ mất sức.

Trong mỗi ô chuồng cần có một mái nhà để heo có chỗ trú ngụ. Mái chỉ làm đơn sơ nhưng chắc chắn, lợp lá hay tôn cũng được. Chiều rộng của mái chỉ cần choán 1/3 đến 1/2 ô chuồng mà thôi, vì heo rừng lai cũng cần có đủ chỗ trống trãi bên ngoài để sưởi nắng hoặc vận động ngoài trời. Mái chuồng cần có độ cao khoảng 2,5m với nền đất chứ không cần phải tráng xi măng hay lót gạch tàu cho tốn tiền.

Ngoài ra, bên trong và ngoài khu vực nuôi heo trong vòng rào này nếu có sẵn nhiều cây cao bóng mát che phủ thì ta khỏi tính đến chuyện phải trồng gấp những cây cho bóng mát này.

Cũng còn một cách khác để nuôi heo rừng lai trong vòng rào mà hiện nay có nhiều nông trại áp dụng là nuôi tập thể cả đàn, cho chúng sống chung đụng tự do với nhau như sống trong môi trường hoang dã vậy. Chỉ cần trưng dụng một khu vườn tạp có sẵn các thứ cây cỏ, lùm bụi, cây thấp chen lẫn với cây cao để có sẵn thức ăn và nơi mát mẻ để heo có chỗ ẩn nấp. Hoặc đó là một khoảnh vườn cao su già cỗi, có tiếp tục khai thác mủ cũng không đủ sở phí nên xây vòng rào vây kín lại nuôi heo rừng lai có lợi hơn.

Nuôi heo rừng lai theo cách thả trong vòng rào, hằng ngày heo vẫn có thể tự túc được một phần thức ăn trong khu vực chúng sống. Chủ nuôi chỉ cho ăn bổ sung một đến hai bừa cầm chừng mà thôi. Điều lợi là heo nuôi theo cách này ta khỏi bổ sung vitamin và khoáng chất nữa.